Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

NĂM MỚI, SỨC MỚI

Kinh Thánh: Ê-sai 40.27-31
29 Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.
30 Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã.
31 Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.
Câu gốc: Ê-sai 40.31
Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.
Kính chào ông/bà Mục sư Quản nhiệm, Ban trị sự/Ban chấp sự cùng quí cụ ông bà anh chị trong tình yêu của Cứu Chúa Giê-xu yêu quí chúng ta. Tôi cám ơn Chúa một lần nữa được có cơ hội cùng với Hội Thánh thờ phượng Chúa, học hỏi lời Chúa buổi sáng hôm nay. Tôi cám ơn ông/bà Mục sư Quản nhiệm đã cho tôi có cơ hội quí báu này.
DẪN NHẬP
Kính thưa Hội thánh, năm 2009 đã qua chúng ta đang sống trong những ngày của tháng đầu năm Tây lịch, và chúng ta cũng đang nô nức chuẩn bị cho những ngày tết Nguyên Đáng theo Âm lịch. Năm 2009 có nhiều biến động làm tác động ít nhiều đến đời sống vật chất tinh thần của chúng ta.
Tác động về kinh tế, Việt Nam chịu tác động bởi tình hình kinh tế chung trên thế giới nên nhiều công ty nhà máy, xí nghiệp ở Việt Nam trong năm 2009 đã cắt giảm nhân sự, công nhân, làm cho nhiều người phải mất việc làm hoặc họ phải chấp nhận tiếp tục làm với mức lương thấp hơn mức lương hiện lãnh. Giá cả thị trường tăng vọt bất thường điển hình như: giá vàng tăng đột ngột, nhiên liệu khí đốt bất ổn, thị trường chứng khoán tuột dốc đến điểm đáy, tỉ giá tiền tệ Việt Nam bị mất giá, điều này gây nên lạm phát.
Tác động về thiên tai, cuối tháng 9 năm 2009 vừa qua thì siêu bão Ketsana đi thẳng vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một phần Tây Nguyên. Cường độ mạnh, phạm vi rộng và song hành với lũ, bão Ketsana đã gây tổn thất lớn nhất từ trước đến nay cho khu vực này, thiệt hại do cơn bão này gây ra là: 174 người chết, thiệt hại vật chất ước tính 14.000 tỷ đồng. Hơn 3 triệu dân của 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chìm ngập trong khó khăn do bão lũ giật sập nhà, cướp đi tài sản cũng như kế sinh nhai. Một tháng sau, Nam Trung Bộ lại hứng bão Mirinae. Tuy cường độ không mạnh như Ketsana, nhưng mưa sau bão đã nhấn chìm khu vực này trong đợt lũ lịch sử. Nước lũ cuồn cuộn đã cướp đi 124 sinh mạng, khiến nhiều cặp vợ chồng chia lìa, nhiều đứa trẻ trở thành mồ côi.
Trong Hội Thánh, mùa giáng sinh chúng ta vui mừng vì kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh, nhưng anh em chúng ta ở trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lữ kỷ niệm Chúa giáng sinh không được như mọi năm, và có một điều lòng tôi cảm thấy buồn hơn vì tinh thần truyền giảng của Hội thánh bị tác động và yếu hơn so với mọi năm. Giáng sinh năm 2009 chúng ta thấy Hội thánh trong khu vực trong Thành phố HCM không truyền giảng lớn ở sân Vận động, điều này tác động không nhỏ đến tinh thần truyền giảng trong các Hội thánh địa phương.
Bước vào năm 2010 ở ngoài xã hội nhiều nhà nghiên cứu đánh giá sẽ có nhiều thay đổi, họ luôn hy vọng sẽ có chiều hướng tăng trưởng theo hướng tích cực hơn, mặc dù sự hy vọng đó thật mong manh và không có nhiều cơ sở, họ chỉ đặt vào lòng tin là mỗi con người cần nỗ lực sẽ làm nền kinh tế thay đổi, ở đây họ đặt niềm tin con người. Nhưng  trong Hội thánh thì chúng ta có Chúa Thánh Linh soi sáng, có Đức Chúa Giê-xu là Đấng cứu chuộc chúng ta dẫn dắt và có lời Đức Chúa Trời giúp đỡ, ban sức mới cho chúng ta vững tin bước vào năm mới 2010 một cách vững vàng. Đây là điều quan trọng trong năm mới này, năm mới rất cần sức mới từ Chúa. Do đó, Nương trên lời Chúa tôi cùng với Hội Thánh học đề tài “Năm Mới, Sức Mới”. Sức mới ở đây bao hàm cả sức khỏe, tinh thần, tâm linh … hay nói cách khác là sự khỏe mạnh toàn diện. Một người muốn được sức mới phải: Có lòng Trông đợi Chúa; Ở trong Chúa; và Nhờ cậy Chúa (tin cậy Chúa hoàn toàn).


1.         TRÔNG ĐỢI CHÚA (Ê-sai 40.31: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới).
Trông đợi là nói lên một sự hy vọng của một người đang tuyệt vọng thì lóe lên một sự hy vọng mới. Tại đây nguyên văn Kinh thánh là háo hức trông đợi một sức mới như một người được mặt bộ đồ mới. Như vậy, trông đợi là sự hy vọng với lòng khát khao Đức Chúa Trời đáp ứng cho chúng ta một điều gì đó làm chúng ta được thỏa mãn.
Chúng ta đang đứng trước một xã hội đầy biến động về kinh tế, thiên tai và khi bước vào năm mới không biết sẽ xảy ra điều gì? Hội thánh Chúa đang ở giữa biển đời bị sóng đời dồi dập. Cách đây một tuần, tôi xem tin tức quốc tế trên kênh truyền hình VTV1 về một sự việc xảy ra ở Indonesia một quốc gia Hồi Giáo là: người Hồi giáo đập phá nhà thờ của người Cơ Đốc giáo. Ở quốc gia này có một điều luật là khi Cơ đốc giáo hay các tôn giáo khác muốn bước chân vào quốc gia này thì không được phép gọi danh Chúa bằng bất kỳ tên nào khác ngoài tên là Allah của người Hồi đang gọi. Để thích ứng cho công cuộc truyền giáo ở môi trường khắc nghiệt này thì người Cơ đốc lấy tên Allah để gọi là Chúa của mình. Dầu thế nào đi nữa thì nhà thờ vẫn bị người Hồi giáo đập phá những ngày đầu năm mới này.
Có thể sự việc như vậy không xảy đến cho chúng ta ở đây bây giờ, nhưng chúng ta đang ở trong tình trạng luôn luôn được cảnh báo sẽ gặp khó khăn (Chúa Giê-xu nói trong Giăng 17.14,15: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế gian ghen ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác.”). Vả lai hành trình của chúng ta về thiên quốc là một hành trình dài không biết chấm dứt khi nào, nhưng sẽ được chấm dứt khi ngày Chúa Giê-xu trở lại (tái lâm). Do đó, Kinh Thánh chép trong Ê-sai 40.30,31 rằng:Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Sự khó khăn này không miễn trừ  một ai, người trẻ (thiếu niên, thanh niên) bị mòn mỏi mệt nhọc về sức khỏe, người trai tráng (có sức lực khỏe mạnh như ở tuổi thanh tráng và tráng niên) thì cũng bị vấp ngã. “Nhưng ai trông đợi Chúa thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” Vì Chúa là nguồn để ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài (c.29).
Thi thiên 27.1-14 là một thi thiên mà trước giả đã kinh nghiệm được và kêu gọi rằng: “Ôi! Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống,
Thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi! Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va.
Như lời của bài thánh ca 417 chép như thế này: (1) Đồng thiên ai kia đang gặt thâu hoa màu, ươn yếu, thưa thớt đến đâu lại ngay nơi Giê-xu quyền năng nương náu, ắt linh lực thêm dồi dào. (2) Dầu ta bao phen mệt nhọc nao lòng, thêm nỗi thân thế long đong, đừng quên ta tin Giê-xu Christ đang sống, nỗi chi mà như tuyệt vọng.
Dầu trong năm mới này có như thế nào chúng ta hãy cứ trông đợi Chúa thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mới như chính Thi thiên 84.7: “Họ đi tới, sức lực lần lần thêm;
Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn.”
2.         Ở TRONG CHÚA (2 Cô-rinh-tô 5.17: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”).
Một người Cơ Đốc thật không chỉ là người trông đợi Chúa mà còn phải ở trong Chúa. Vì người ta trông đợi Chúa nhưng có khi người đó không ở trong Chúa. Ví dụ: năm mới đa phần người không tin Chúa họ cũng cầu trời thể hiện qua mâm ngũ quả gồm có: trái mãng cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái xoài và trái sung. Với ước vọng rằng: năm mới sẽ được sung túc và đủ ăn. Nhưng họ không có ở trong Chúa. Trong những ngày tết nguyên đáng chúng ta đi thăm viếng thì đôi khi cũng bắt gặp hình ảnh mân ngũ quả ngay trong nhà của những người gọi là Tín Hữu Tin Lành.
Câu Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 5.17: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” Mọi sự đều trở nên mới ở đây nó bao gồm sức khỏe (thể xác), tinh thần (tâm hồn), … mọi sự được làm nên mới trong Chúa Cứu Thế Giê-xu là ngay trong hiện tại chứ không phải trong tương lai.
Điều này được Chúa Giê-xu nói Giăng 15.1-11: gốc nho và nhánh nho, Ngài là gốc còn chúng ta là nhánh được kết chặt với gốc nho (thân cây) hút nhựa sống của gốc nho rồi sinh ra lắm trái. Chúa Giê-xu nói:“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15.5). Ở đây cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta phải gắn kết với Chúa Giê-xu như là nhánh gắn liền với gốc (ghép cây dễ là hình ảnh dễ thấy). Người nào gắn kết ở trong Chúa Giê-xu thì người đó được tuôn tràn sức sống. Điều này được thể hiện qua hàng tỉ người được thay đổi khi tin nhận Chúa Giê-xu và cống hiến sức lực để rao truyền Tin Lành cho người khác.
3.         NHỜ CẬY (TIN CẬY) CHÚA (Giê-rê-mi 17.7,8: 7Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy (tin cậy) Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. 8Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.”).
Chữ “nhờ cậy” này trong Nguyên văn kinh thánh có nghĩa là Confidence: “tin cậy một cách quả quyết hay là sự tin cậy hoàn toàn”. Một người để lòng trông cậy (hy vọng, hướng về Chúa) thì luôn đi đôi với lòng tin quyết. Như câu Kinh Thánh trong Giê-rê-mi 17.7,8: người nào để lòng tin cậy Chúa và lấy chính Ngài làm sự hy vọng mình thì người đó như cây trồng gần nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.
Một nhà xã hội học người Đức tên là Max Weber đã theo dõi bước chân của người Tin Lành ở Châu Âu và ông đã viết nên quyển sách với tựa đề: “Nền Đạo Đức Tin Lành và Tinh Thần của Chủ Nghĩa Tư Bản” ông nói rằng: “phần lớn những người nắm quyền trong các nhà máy, xí nghiệp, chủ doanh nghiệp đều là những người Tin Lành. Vì trong trường học thì các học sinh, sinh viên theo học các ngành kỹ thuật là người Tin Lành chiếm đa số. Vì người Tin Lành ý thức được ý muốn của Chúa đặt trên đời sống của họ. Cho nên, người Tin Lành tin cậy và phó thác cuộc đời của mình cho Ngài.”
Trong Thi thiên 146.1-10  khuyên rằng: C.5“Chớ nhờ cậy nơi các vua chúa, Cũng đừng nhờ cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp trợ.” Chính Đức Chúa Trời mới là nguồn của sự tiếp trợ của chúng ta. Vì
6  Ngài là Đấng dựng nên trời đất,
   Biển, và mọi vật ở trong đó;
   Ngài giữ lòng thành thực đời đời,
7   Đoán xét công bình cho kẻ bị hà hiếp,
   Và ban bánh cho người đói.
   Đức Giê-hô-va giải phóng người bị tù;
8   Đức Giê-hô-va mở mắt cho người đui;
   Đức Giê-hô-va sửa ngay lại những kẻ cong khom;
   Đức Giê-hô-va yêu mến người công bình;
9  Đức Giê-hô-va bảo hộ khách lạ,
   Nâng đỡ kẻ mồ côi và người góa bụa;
   Nhưng Ngài làm cong quẹo con đường kẻ ác,
10 Đức Giê-hô-va sẽ cai trị đời đời;
   Ớ Si-ôn, Đức Chúa Trời ngươi làm Vua đến muôn đời!
   Ha-lê-lu-gia!
KẾT LUẬN
Trong măn 2010 này chúng ta sẽ không biết điều gì xảy đến cho chúng ta. Nhưng chúng ta là những người con yêu quí của Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta “SỨC MỚI” và Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải “ĐỂ LÒNG TRÔNG ĐỢI NGÀI (Ê-sai 40.31)”; đồng thời chúng ta cũng phải “Ở TRONG CHÚA (2 Cô-rinh-tô 5.17)”; và “TIN CÂY NGÀI MỘT CÁCH TUYỆT ĐỐI (Giê-rê-mi 17.7,8)” nữa.
Khi đó như tiên tri Ê-sai 58.11: “Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm cho cứng mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới, như nước chẳng hề khô vậy.
Tôi xin mượn lời của vị Sứ đồ Giăng trong Kinh Thánh sách 3 Giăng 2 “Hỡi kẻ (quí ông bà anh chị em) rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh (quí ông bà anh chị em trong năm mới) được thạnh vượng trong mọi sự, và được khoẻ mạnh phần xác anh (quí ông bà anh chị em) cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh (quí ông bà anh chị em) vậy.” Amen!